Đại Kỷ Nguyên

Lá trầu không: kìm hãm ung thư, sát khuẩn, diệt virus… tốt hơn cả kháng sinh mà vẫn an toàn

Nhiều nghiên cứu cho thấy lá trầu đã được sử dụng từ hàng nghìn năm trước trong dân gian tại Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc… như một vị thuốc để phòng và điều trị nhiều loại bệnh, làm đẹp.

Theo Đông y, trầu có vị cay nồng, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị. Có tính năng hạ khí, chỉ khái, tiêu viêm, sát khuẩn, trừ phong thấp, kích thích tiêu hóa và thần kinh, phòng bệnh lam sơn trướng khí. Lá trầu dùng tốt trong các trường hợp viêm họng, cảm cúm, nhức đầu, sát trùng vết thương, chữa các bệnh viêm loét ngoài da, nước ăn chân tay… đặc biệt dùng tốt trong việc điều trị các bệnh phụ nữ mang lại hiệu quả cao.

Phân tích y học hiện đại đã tìm thấy trong lá trầu không nhiều hợp chất quý: eugenol, carvacrol, chavicol, allylcatechol, chavibetol, cineol, estragol, methyl eugenol, p-cymen, caryophyllen, cadinen; tanin cùng với nhiều vitamin, các axit amin…

Trầu không chứa nhiều hoạt chất có dược tính cao (Ảnh: Internet)

Điều này khiến cho trầu không trở thành đối tượng nghiên cứu cho các ứng dụng y học tại nhiều nước. Các chất trong lá trầu có khả kháng khuẩn, diệt virus đặc biệt tốt. Nghiên cứu của TS Rajendra Toprani, Trung tâm Ung thư HCG (Ấn Độ) công bố trên tạp chí South Asian Journal of Cancer (Tạp chí Ung thư Nam Á), cho rằng chiết xuất lá trầu không có thể tiêu diệt cả các khối u khi thí nghiệm trên động vật.

Dưới đây là một số cách dung lá trầu phổ biến trong dân gian để trị bệnh:

1. Nước súc miệng ngừa sâu răng, chống hôi miệng

Sử dụng lá trầu làm nước sức miệng vừa an toàn, rẻ tiền mà hiệu quả hơn hẳn trong cho các vấn đề răng miệng. Theo BS Hoàng Thị Bích Liền (BV Tuệ Tĩnh Hà Nội), lá trầu không tốt nhất là chọn lá trầu không bánh tẻ (không quá già, không quá non), hái lá trầu không vào khoảng 5h sáng sau đó pha lá trầu không như pha trà: 3 lá trầu không với khoảng 150 ml nước rồi sử dụng súc miệng ngày 2 – 3 lần.

Nước lá trầu có tác dụng kháng sinh tự nhiên, diệt khuẩn, giúp răng trắng và khử mùi hôi cho hơi thở.

2. Chữa cảm lạnh

Cậu bé nhà Lý Hải với lá trầu không (Ảnh: qua Eva)

Dùng lá trầu giã nhuyễn cho vào khăn mặt hoặc khăn tay, nhúng vào nước ấm đánh gió dọc hai bên cột sống. Dùng cách này an toàn hơn cạo gió.

3. Chữa đau bụng

Đau bụng do lạnh gây nôn mửa, ợ chua, tiêu chảy, ăn không tiêu: dùng 2-4 lá trầu nhai nuốt nước. Đồng thời lấy 3-4 lá trầu hơ nóng cho héo mềm đắp lên rốn, băng giữ lại.

4. Viêm răng lợi, có mủ, chảy máu

Dùng lá trầu sắc đặc cô thành cao, lấy bông tẩm đắp vào chỗ tổn thương, liên tục hàng ngày.

5. Chữa ho suyễn

Lấy lá trầu không 4 – 8g ép lấy nước uống.

6. Chữa đau đầu

Cuống lá trầu 7-10 cái giã nhuyễn, lấy nước cốt pha mật ong uống, đồng thời lấy 2 đầu nhọn của lá trầu nhai giập đắp vào hai bên thái dương.

7. Chữa ho rát họng

Trộn 1/4 thìa nước ép cây húng quế với nước cây bạc hà, gừng tươi, lá trầu không với mật ong, ngậm.

8. Chữa nấc

Lá trầu rất hiệu quả trong chữa nấc, nhất là với trẻ nhỏ. Lấy mẩu lá trầu không đầu nhọn, nhấm cho mềm dán vào trán trẻ, đầu nhọn xuống dưới.

9. Đau mắt (đau mắt đỏ, viêm kết mạc)

Hãm lá trầu vào nước sôi để xông mắt.

10. Chấn thương sưng đau nhức

Lá trầu giã nhuyễn với ít giấm cho dẻo đắp lên chỗ sưng.

11. Chữa các bệnh ngoài da

Hắc lào, chàm, lở loét, mẩn ngứa, côn trùng đốt, trẻ bị hăm, rôm sảy. Lấy lá trầu giã nhuyễn hoà nước đun sôi để nguội rửa, đắp chỗ tổn thương.

12. Vết thương nhiễm khuẩn

Rửa bằng nước nấu lá trầu với ít phèn chua (4g phèn chua cho 1 lít nước).

13. Chữa lở loét ngoài da

Dùng lá trầu non hãm nước sôi 15 phút sẽ cho hiệu quả tốt hơn nước sắc lá trầu.

14. Phong thấp đau nhức chân tay

Gốc rễ trầu 12g, rễ lá lốt 12g, lá và rễ cây xấu hổ (mắc cỡ) 12g sắc uống liên tục một tuần. Chú ý không để lẫn hạt cây xấu hổ rất độc.

Ngoài ra vẫn còn nhiều cách chữa bệnh với lá trầu không, tuy đơn giản những trước khi sử dụng bạn cần tìm hiểu thêm để đạt hiệu quả tốt nhất.

Minh Thành tổng hợp

Tài liệu tham khảo:
1. Rajendra Toprani and Daxesh Patel. Betel leaf: Revisiting the benefits of an ancient Indian herb. South Asian J Cancer. 2013 Jul-Sep.
2. Badrul et al. Piper betle extracts exhibit antitumor activity by augmenting antioxidant potential. Oncol Lett. 2015 Feb.

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version