Đại Kỷ Nguyên

Nhắn tin khi điện thoại đang sạc pin, thanh niên Lạng Sơn tử vong thương tâm

Do sử dụng điện thoại khi đang sạc pin, anh Phùng Văn Cường đã bị thương nặng khi điện thoại phát nổ và sau đó anh đã không qua khỏi. 

Tối ngày, 5/7, Anh Phùng Văn Cường (SN 1998, dân tộc Nùng), trú tại thôn Nà Làng, xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã nhắn tin cho người thân khi đang sạc pin điện thoại. Bất ngờ điện thoại phát nổ, rơi xuống ngực khiến anh Cường bị cháy sém một khoảng áo lớn.

Anh Cường đã được gia đình và cán bộ y tế tiến hành sơ cứu, nhưng vì vết thương quá nặng nên anh đã tử vong sau đó.

Dùng điện thoại khi đang sạc, nam thanh niên ở Lạng Sơn tử vong (Ảnh: Duy Chiến-Tiền Phong)

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc đáng tiếc như trên. Đã có rất nhiều vụ nổ điện thoại khi sạc pin dẫn đến hậu quả đau lòng khiến nhiều người lo ngại.

Trước đó vào ngày 12/4, một nam thanh niên sinh năm 1991 đã bị thủng màng nhĩ do điện thoại phát nổ lúc 12 giờ đêm, khi anh đang ngủ với điện thoại được sạc ngay cạnh gối nằm. Nghe tiếng nổ lớn gia đình giật mình, vội chạy sang phòng thì thấy anh đang ôm mặt bê bết máu. Kế bên là chiếc điện thoại phát nổ. 

Bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển tại Uông Bí (Quảng Ninh) chẩn đoán anh bị thủng màng nhĩ, bên cạnh đó là mảnh nhựa và kim loại nhỏ găm vào da đầu. 

Thanh niên thủng màng nhĩ do điện thoại phát nổ trong lúc sạc pin

Tương tự, ngày 13/1, BS Nguyễn Văn Hưng, Phó Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận ca tai nạn do nổ điện thoại khiến bàn tay bệnh nhân bị dập nát. Tai nạn xảy ra khi nạn nhân 17 tuổi, quê ở Vụ Bản, Nam Định đang nằm trên giường vừa dùng điện thoại vừa sạc. Khi nghe tiếng nổ lớn mọi người chạy vào, thì thấy nạn nhân đau đớn với bàn tay trái nát tươm, đứt rời các ngón. Quá hoảng sợ, gia đình đưa thẳng bệnh nhân vào viện trong tình trạng không kịp sơ cứu.

BS Hưng cho biết, do bệnh nhân tổn thương dập nát, không còn khả năng nối liền chi, khác với các vết thương cắt lìa là có thể vi phẫu nối lại được nên các bác sĩ chỉ có thể xử lý cắt lọc các phần dập nát. Bệnh nhân sẽ bị mất các ngón tay vĩnh viễn, mất chức năng bàn tay.

Hãy bảo vệ mình khi sạc điện thoại

Nổ điện thoại, nổ pin, nổ sạc dự phòng không phải là chuyện hiếm gặp. Nhưng những hậu quả nó để lại thật khiến người dùng lo lắng. Để bảo vệ bản thân và người xung quanh tốt nhất nên bắt đầu từ ý thức và cách sử dụng của chính mình ngay từ lúc này!

5 lưu ý khi sử dụng điện thoại để phòng ngừa cháy nổ

1. Hãy tránh xa những loại pin chất lượng thấp: Khi cần thay pin điện thoại, bạn nên tránh mua những loại pin giá rẻ hơn trên mạng, mà hãy chọn mua pin chính hãng của nhà sản xuất.

2. Để điện thoại ở chỗ thông thoáng trong khi sạc: không nên phủ vải vóc, chăn, gối lên điện thoại trong lúc sạc để tránh máy bị quá nóng. Ngoài ra, bạn cũng không nên để điện thoại đang sạc ở cạnh những thiết bị điện tử phát nhiệt khác.

3. Đừng dùng điện thoại quá mức trong lúc sạc

4. Nếu điện thoại bị rơi vỡ mạnh, hãy đem máy tới trung tâm sửa chữa chuyên nghiệp để được kiểm tra: Một cú rơi mạnh có thể gây ra những vết nứt nhỏ trên linh kiện bên trong, gây nứt pin… Điều này có thể dẫn đến điện thoại dễ bị phát nổ trong lúc sạc

5. Đừng chủ quan nếu máy quá nóng một cách bất thường hoặc pin bỗng nhiên sụt nhanh, hãy mang máy tới trung tâm bảo hành để được kiểm tra

Liên Hoa (t/h)

Video xem thêm:

Nếu bạn phải sử dụng điện thoại trước khi ngủ, hãy nhớ thật kỹ 8 điều sau

 

 

 

Exit mobile version