Qua đời ở tuổi 96, Ho Feng Shan đã ra đi và mang theo bí mật cuộc đời. Cũng như bao vị anh hùng của người Do Thái khác, trong suốt những năm còn sống, Ho không hề nhắc đến những hành động của mình với bất cứ ai, kể cả với vợ con hay bạn bè.

Một “Schindler” của Trung Hoa

Nếu như nhà tư bản công nghiệp Oskar Schindler đã cứu 12.000 người Do Thái bằng cách tuyển dụng họ vào làm việc tại nhà máy của ông tại Ba Lan thì nhà ngoại giao Trung Hoa Ho Feng Shan đã mạo hiểm ký hàng loạt thị thực xuất cảnh cho người Do Thái đến thành phố cảng Thượng Hải. Nhờ vào chữ ký của Ho mà khoảng 18.000 người Do Thái châu Âu đã được phép bay đến Thượng Hải để không phải bỏ mạng trong những trại tập trung của Đức Quốc xã. 

Cụ thể, tháng 4/1938, Ho Feng Shan được bổ nhiệm làm Tổng lãnh sự Trung Hoa Dân quốc tại Vienna. Thời gian đó, một số lượng lớn người Do Thái ở Áo đã rất nỗ lực tìm cách rời khỏi Áo sau khi quốc gia này bị phát xít Đức chiếm đóng. Tuy nhiên, họ đã vô cùng tuyệt vọng sau Hội nghị Evian (năm 1938) về vấn đề tị nạn, 31 trong tổng số 32 nước tham gia sự kiện từ chối cấp thị thực cho họ, ngoại trừ Cộng hòa Dominican.

Ông Ho Feng Shan được mệnh danh là “Schindler của Trung Quốc”.

Trong cuốn hồi ký “40 năm cuộc đời ngoại giao của tôi” (xuất bản năm 1990), Ho Feng Shan đã bày tỏ sự căm giận Đức Quốc xã và bắt đầu có ý muốn cứu giúp người Do Thái. Ông Ho đã quyết định cấp visa cho bất cứ ai có yêu cầu, và tất cả các visa đều hướng đến Thượng Hải.

Như vậy trong 2 năm tại chức (1938-1940), Ho Feng Shan đã cấp visa cho hàng ngàn người rời khỏi Áo. Cho đến nay, giới chức trách vẫn không xác định được chính xác số giấy tờ xuất nhập cảnh mà ông đã ký trong thời đó và số lượng người được cứu sống trong thảm họa diệt chủng người Do Thái khi Ho giữ cương vị trên. Tuy nhiên, căn cứ theo các số seri visa, theo ước tính, hàng ngàn visa đã được vị tổng lãnh sự Trung Hoa Dân Quốc ở Vienna cấp.

“Visa Thượng Hải” mang số sêri 3.639 do Ho Feng Shan cấp phát.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, vào năm 1937, Thượng Hải đã rơi vào tay quân đội Nhật Bản. Khi ấy, chính quyền Trung Hoa Dân quốc buộc phải rút về Trùng Khánh và bỏ ngỏ thành phố cảng. Nơi đây đã trở thành địa phương duy nhất trong cả nước không có cơ cấu kiểm soát nhập cư. Như vậy, bất cứ ai cũng có thể vào Thượng Hải mà không cần phải có visa.

Tại sao Ho Feng Shan lại cấp thị thực đến một nơi mà không đòi hỏi giấy tờ này? Thật ra, đó là sự tính toán hết sức khôn ngoan của ông. Sau khi nắm trong tay visa do Ho cấp, người Do Thái không cần nhất định phải đến Thượng Hải mà có thể sử dụng giấy tờ này để xin thị thực quá cảnh để đến một quốc gia thứ 3 nào đó (Mỹ, Palestine và Philippines…) nhằm tránh sự truy đuổi của Đức Quốc xã.

Trong cơn tuyệt vọng muốn thoát khỏi sự tàn sát của Đức Quốc xã trong các trại tập trung khét tiếng như Dachau và Buchenwald, “visa Thượng Hải” như một vị cứu tinh cho cộng đồng người Do Thái ở Áo lúc bấy giờ. Và trên thực tế, họ đã được Ho Feng Shan cung cấp phương tiện để tìm đường đến Mỹ, Anh và những quốc gia khác.

Những tấm visa của lòng dũng cảm và tình người

Được biết, Chen Lie – Đại sứ Trung Hoa ở Berlin – thượng cấp trực tiếp của Ho lo lắng rằng hành động cấp visa hàng loạt có thể gây phương hại đến mối quan hệ ngoại giao Trung – Đức. Ông đã ra lệnh cho Ho dừng ngay việc này lại. Tuy nhiên, bất tuân lệnh của cấp trên, Ho Feng Shan vẫn tiếp tục công việc cứu người của mình và chấp nhận bị trừng phạt với một điểm xấu trong lý lịch.

Đầu năm 1938, tòa nhà Lãnh sự quán Trung hoa Dân quốc bị Đức Quốc xã tịch thu do đây là tài sản của người Do Thái. Lúc đó, Ho Feng Shan đã dùng tiền túi mở văn phòng mới ở nơi khác để tiếp tục công việc mạo hiểm tính mạng của mình. Ho Manli – con gái ông từng chia sẻ: “Đó là tính cách của cha tôi – rất nguyên tắc, thẳng thắng và chính trực. Ông là người có lương tâm và can đảm với trái tim đầy trắc ẩn”.

Ho Feng Shan và con gái Ho Manli, năm 1977.

Eric Goldstaub là một trong số những người Do Thái đã được cứu sống nhờ tấm visa Thượng Hải do Ho Feng Shan. (Ông Eric Goldstaub qua đời năm 2012 ở tuổi 96 tại thành phố Toronto của Canada. Hiện tại 2 con trai và một con gái của ông vẫn còn sống).

Lúc nhận được 20 visa mà Ho cấp cho gia đình, ông chỉ mới 17 tuổi. Goldstaub kể lại, trước khi gặp Ho, ông đã gõ cửa đến 50 tòa nhà lãnh sự ở thành phố Vienna và đều bị từ chối. Theo Goldstaub, đa số người Do Thái ở Áo không hề biết đến Lãnh sự quán Trung Hoa Dân quốc và họ cũng không ngờ rằng ở đây có một vị cứu tinh cho cuộc đời họ.

Viết về lần đến Lãnh sự quán Trung Hoa Dân quốc ở Vienna, Goldstaub chia sẻ trong cuốn hồi ký của mình: “Thật là một điều bất ngờ quá sức tưởng tượng đang chờ đợi tôi! Một sự tiếp đón nồng hậu, một nụ cười thân thiện và thông điệp sau đó: Hãy mang các hộ chiếu của anh đến đây và chúng tôi sẽ cấp cho anh các visa đến đất nước chúng tôi”.  

Một gia đình khác được Ho Feng Shan cứu sống là gia đình Karl Lang. Karl Lang chỉ được thả sau khi vợ ông có được “visa Thượng Hải” để trình lên bọn Đức làm chứng cho quyền di cư. Gia đình Lang rời khỏi nước Áo để đến Anh và cuối cùng sang Mỹ.

Nhìn thấy người Do Thái quá bất hạnh nên lòng trắc ẩn nổi lên là lẽ tự nhiên, nó bắt buộc tôi phải giúp những người này.

(Trích hồi ký của Ho Feng Shan)

Khi Ho Feng Shan còn sống, không một ai (kể cả gia đình) được biết đến công việc cực kỳ mạo hiểm này. Chỉ sau khi ông mất vào năm 1997, câu chuyện cuối cùng mới được đưa ra ánh sáng sau nhiều thập niên chôn giấu. Nhà báo Ho Manli (con gái của ông) đã bắt đầu hành trình kéo dài 18 năm tìm kiếm lịch sử những kỳ công của người cha quá cố. Bà tâm sự: “Tôi muốn nói đây là kỳ công lớn nhất trong đời làm báo của tôi. Tôi cảm thấy có trách nhiệm không chỉ với người cha của mình mà còn với những người sống sót. Đây là nhiệm vụ tôi tự đặt ra cho mình khi cố gắng tập hợp tất cả chi tiết trong một cuốn sách”.

Tấm biển bằng đồng tưởng Niệm Ho Feng Shan tại khách sạn Ritz Carlton ở Vienna, nơi từng đặt Lãnh sự quán Trung hoa Dân Quốc

Có lẽ, nếu không nhờ Ho Feng Shan, nhiều mạng sống sẽ không tồn tại cho đến tận ngày hôm nay. Tháng 7/2000, Israel ban tặng danh hiệu “Nhân vật Đạo đức trong số các Quốc gia” – một trong những danh hiệu cao quý nhất của Nhà nước Do Thái – cho Ho Feng Shan “vì sự can đảm đầy tính nhân đạo” của ông.

(Nguồn CNN)

Hiểu Minh (tổng hợp)