Câu chuyện của một cao thủ trong ngành thương mại điện tử đã từ bỏ công việc ở nước ngoài để kế nhiệm tiệm gạo cũ của mẹ có thể mang đến cho bạn một cách nhìn mới về kinh doanh.

Câu chuyện này được giới thiệu trên trang Epoch Times Đài Loan, nhân vật chính là anh Cao Anh Kỳ, chủ nhân đời thứ 2 của tiệm gạo cũ có tên Tây Xuyên, ở thành phố Đài Trung. Anh Cao Anh Kỳ kế thừa tiệm gạo từ mẹ. Ban đầu, anh Kỳ không hiểu được tại sao mẹ mình lại kiên nhẫn duy trì hoạt động của tiệm gạo lâu tới vậy. Nhưng khi hiểu ra lý do, anh đã quyết định tiếp tục công việc cũng chính là tâm nguyện của mẹ mình. 

Anh Cao Kỳ Anh, người từ bỏ công việc ở nước ngoài để kế nhiệm tiệm gạo cũ của mẹ (ảnh: Tinh Hoa).

Tấm lòng của mẹ

Bên cạnh việc duy trì kinh doanh ở tiệm gạo, mẹ của anh Cao Anh Kỳ còn duy trì trong cuộc sống hàng ngày một hoạt động truyền thống khác. Bà mỗi ngày đều tự thay thổi cơm và làm thức ăn cho gia đình. Bữa cơm ấm cúng và được nấu nướng chu đáo sẽ mang đến cảm giác ấm áp cho mỗi thành viên, từ đó mọi người cũng luôn cảm nhận được mình đang có một gia đình trọn vẹn. 

Sống ở nước ngoài lâu năm, cùng công việc bận rộn nên anh Cao Anh Kỳ thường dùng bữa ngoài tiệm. Theo thời gian, việc ăn cơm một mình bên ngoài đã giúp anh hiểu được tâm nguyện muốn gìn giữ cảm giác ấm cúng trong gia đình của mẹ. Anh cũng hiểu ra vì sao nếu như không có tiệm gạo thì toàn bộ gia đình giống như mất đi trọng tâm.

Thì ra hạt gạo chính là phương thức bảo vệ hạnh phúc gia đình mà mẹ vẫn luôn cố gắng giữ gìn, không chỉ cho gia đình mình mà còn cho những gia đình khác nữa. Trong nền văn hóa Á Đông, gạo chính là “ngọc thực”, là thứ quà quý của Trời đất ban cho con người. Nó không chỉ giúp con người được ấm bụng, mà hương thơm của hạt gạo trong căn bếp nhỏ còn sưởi ấm cho cả một gia đình. 

Hiểu được điều này, anh Cao Anh Kỳ tình nguyện tiếp bước mẹ kinh doanh tiệm gạo. Nhưng hoàn cảnh hiện đại lại khiến công việc kinh doanh của tiệm khó khăn hơn. 

Bài học từ nước Nhật

Khi bắt đầu kinh doanh tiệm gạo, anh Cao Anh Kỳ nhận ra một thực tế là lượng gạo mà người dân sử dụng đang ngày càng giảm. Vào những năm 70, 80, trung bình mỗi người có thể ăn hết 90kg gạo/năm, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại chỉ còn lại không tới 40kg/năm, hơn nữa còn có dấu hiệu tiếp tục giảm xuống. 

Lúa gạo được coi là ngọc thực, thứ lương thực quý giá nhất với người phương Đông (ảnh: Tinh Hoa).

Anh cũng nhận thấy rằng, tình trạng này ở Nhật Bản còn trầm trọng hơn ở Đài Loan nhiều lần. Vốn là nước có nhịp làm việc cao, áp lực kinh tế lên người dân cũng lớn, nên người trẻ Nhật có xu hướng không thích kết hôn, thường chọn sống độc thân. Thêm vào đó, lượng thực phẩm nhập khẩu ngày càng tăng, các món ăn phương Tây cũng ngày càng phổ biến. Thực trạng này khiến cho lượng cung cầu về gạo của quốc gia này không cân bằng. 

Tuy người Nhật ăn ba bữa cơm một ngày, nhưng hiện nay, do kết cấu gia đình thay đổi lại thêm không gian sinh hoạt chật hẹp ở các thành phố nên nhiều người Nhật không còn nghĩ đến chuyện tự nấu ăn. Các bạn trẻ càng không nghĩ tới chuyện sẽ học cách nấu một nồi cơm thật ngon. Vậy nên, ở Nhật người ta phát triển việc kinh doanh gạo theo hướng “tiện lợi” và “mở rộng”. 

Gạo được chế biến thành các món ăn sẵn, chỉ cần đun nóng là có thể dùng ngay. Người dân có thể tìm thấy sản phẩm này trong bất cứ siêu thị hay cửa hàng tạp hóa nào. Bên cạnh đó, các thực phẩm khác được chế biến từ gạo như rượu gạo, mì gạo… cũng trở nên phổ biến.

Từ thực tế nước bạn, anh Cao Anh Kỳ hiểu rằng mình cũng cần thay đổi phương thức bán hàng, nếu muốn duy trì việc kinh doanh lâu dài. 

Mỗi loại gạo đều có một câu chuyện để kể

Với kinh nghiệm trong ngành thương mại điện tử, anh Cao Anh Kỳ bắt đầu giới thiệu sản phẩm của mình trên mạng Internet. Nhưng cách thức anh miêu tả về sản phẩm của mình khác nhiều so với các chủ cửa hàng truyền thống. Anh phát hiện rằng, mỗi loại gạo đều có những đặc tính riêng của nó. Mỗi loại lại phù hợp với một loại khách hàng đặc biệt. Đó là lý do tại sao anh để cho mỗi loại gạo kể về câu chuyện của mình, để chúng tự tìm cho mình những vị khách tiềm năng. 

Mỗi loại gạo đều có một câu chuyện, một lời nhắn gửi của riêng mình (ảnh: Tinh Hoa).

“Chẳng hạn, gạo thích hợp với nam nhân là gạo Bồng Lai chất lượng tốt, đây là loại hạt to, nở nhiều, có thể khiến cho những người đàn ông nghèo khó có cảm giác được no sau khi ăn.

Gạo thích hợp với phụ nữ là loại gạo Trường Tiên, hạt gạo nhỏ dài, độ dẻo không cao, nhưng hàm lượng tinh bột lớn, thời gian tiêu hóa kéo dài, có thể khiến cho người phụ nữ giảm lượng thức ăn, duy trì dáng vóc thon thả.

Còn trẻ em thì thích hợp với gạo Vụ Phong Hương, đây là gạo thơm của Thái Lan lai tạo với một loại gạo của Nhật Bản mà thành, đa số là được trồng tại vùng Vụ Phong, Đài Trung. Do gạo thơm và có vị ngọt nên trẻ em rất thích ăn, cho nên loại gạo này phù hợp với những đứa trẻ không thích ăn cơm.

Còn gạo thích hợp cho người cao tuổi thì là loại gạo cứng, hạt tròn ngắn, không có mùi thơm đặc biệt, nhưng khi cơm nguội thì vẫn giữ được độ mềm và độ dẻo tốt, vô cùng thích hợp để làm dấm gạo, cũng thích hợp dành cho những người kén ăn”.

Với cách thức bán hàng mới này, anh Cao Anh Kỳ mong rằng, mọi người sẽ chú ý hơn đến việc nấu ăn trong chính căn bếp của mình. Đồng thời, anh cũng mong muốn giúp người dùng biết tới đặc tính của gạo, từ đó yêu quý hạt gạo hơn, nhớ nhiều hơn đến truyền thống về “hạt ngọc” này. 

Thêm vào đó, những câu chuyện mà mỗi loại gạo đang kể giúp người mua để ý nhiều hơn đến sức khỏe cũng như khẩu vị của từng thành viên trong gia đình. Điều này sẽ vun đắp nơi khách hàng của anh thói quen quan tâm, chăm sóc chu đáo cho những người thân, đặc biệt là những khách hàng trẻ tuổi. 

Bí quyết nấu cơm của cửa hàng gạo Tây Xuyên

Bên cạnh đó, anh Cao Anh Kỳ cũng không ngần ngại chia sẻ cách nấu một nồi cơm thật ngon theo phương thức truyên thống:

Một chén cơm nóng, thơm phức có thể xua tan sự mệt mỏi của một ngày dài (ảnh: Tinh Hoa).

Chọn gạo mới: Lựa chọn loại gạo vừa mới thu hoạch, bởi vì gạo mới khi nấu có độ nở tốt, có cảm giác cơm chín đều và thơm đúng chất.

Vo gạo nhiều lần: Trong quá trình xay xát, vỏ trấu và các tạp chất có thể bám vào gạo, phải vo gạo nhiều lần thì mới làm sạch hết được những tạp chất bên trong gạo.

Ngâm gạo: Gạo được ngâm cho tới khi phần giữa hạt gạo tạo thành màu trắng đục mới có thể mang đi nấu, như vậy khi nấu thì hạt gạo mới chín đều.

Tỷ lệ vàng để nấu cơm là gạo và nước theo tỉ lệ 1:0,9. Ngoài ra, nồi cơm điện dày thì giữ nhiệt càng tốt, cơm nấu xong càng ngon.

Xới cơm xong thì nấu thêm 15 phút: Nút báo nồi cơm điện vừa nhảy lên xong, mở nắp nồi cơm và xới đều để hạt cơm tơi ra, để bay hết hơi trong nồi cơm xong thì tiếp tục đậy nắp và nấu thêm 15 phút nữa là hoàn tất.

Kinh doanh chỉ thuần lợi nhuận? Nghề nghiệp chỉ để kiếm lời và thỏa mãn tài năng?

Trong xã hội hiện đại, khi nhắc đến kinh doanh, nhiều người nghĩ ngay đến hai chữ “lợi nhuận”. Bởi hầu hết những người giàu có trong xã hội đều xuất thân từ nghề nghiệp này. Thực tế trên tạo nên trong ý thức của nhiều người trẻ mong muốn kinh doanh, được cho là con đường ngắn nhất để dẫn đến thành công. 

Nhưng câu chuyện của anh Cao Anh Kỳ lại cho thấy một khía cạnh khác của nghề nghiệp – tính nhân văn. Người chủ đầu tiên của Tây Xuyên, mẹ của Cao Anh Kỳ đã kinh doanh cửa hàng gạo rất lâu, không phải chỉ bởi cửa hàng mang đến nguồn thu nhập ổn định cho gia đình bà. Động lực lớn hơn chính là mong muốn giữ lại “truyền thống quan trọng và tốt đẹp” là nấu ăn trong gia đình. Nhìn ở một góc độ khác, bà đang kinh doanh vì sự ấm no của mình, nhưng cũng là vì hạnh phúc của rất nhiều gia đình khác ở thành phố Đài Trung này. 

Và anh Cao Anh Kỳ, nếu chỉ vì lợi nhuận và sự thuận lợi có lẽ đã không bỏ công việc lương cao ở nước ngoài về để tiếp quản cửa hàng nhỏ bé của mẹ anh. Và lợi nhuận càng không phải là động lực duy nhất khiến anh sáng tạo, nỗ lực thực hiện những đổi mới trong phương cách kinh doanh.

Ảnh: Quà Tặng Online.

Mở rộng ra cách nhìn về nghề nghiệp của một con người, liệu có phải chúng ta xây dựng sự nghiệp chỉ vì sự yên ấm hay lợi lạc cho riêng bản thân mình? Khi chúng ta đặt “lợi ích và giá trị mà những người khác có được” làm trung tâm trong công việc của mình, một thế giới khác ý nghĩa và đầy sáng tạo sẽ mở ra. 

Bạn đang đọc bài viết: “Kế nhiệm tiệm gạo cũ của mẹ, chuyên gia thương mại mang đến bài học về kinh doanh – lợi nhuận” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||830fd9b79__