Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.

Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.

Kinh văn

 Oánh tám tuổi, biết làm thơ
Bí lên bảy, giỏi thơ cờ.
Họ dĩnh ngộ, người người khen
Trò đang học, nên bắt chước.

Diễn giải

Tổ Oánh thời Bắc Tề khi 8 tuổi có thể đọc thuộc “Thi kinh”, Lý Bí triều Đường khi 7 tuổi có thể mượn cách chơi cờ để làm thơ rồi nói rõ đạo lý. Tổ Oánh và Lý Bí còn nhỏ tuổi nhưng thông minh xuất chúng, mọi người đều tán thưởng họ là kỳ tài. Các bạn là người mới nhập học thì nên học theo họ.

Câu chuyện tham khảo

Cậu bé tài ba Tổ Oánh

Tổ Oánh thời Bắc Tề từ nhỏ đã rất thông minh, năm 8 tuổi có thể học thuộc “Thi kinh” và “Đường thư”. Năm 12 tuổi trở thành thái học [1] sinh, được thầy giáo chọn làm “giảng viên”, truyền thụ “Đường thư” cho các học sinh khác.

Tổ Oánh rất chăm chỉ cần mẫn, mỗi ngày từ sáng đến tối đọc sách liên tục. Cậu luôn cảm thấy thời gian mỗi ngày không đủ dùng, nên thường cố gắng đọc sách vào ban đêm nữa. Vì vậy, cha mẹ cậu lo lắng, sợ con trai mệt hại thân thể nên nhiều lần ngăn cản, không cho cậu đọc sách vào ban đêm. Một ngày nọ, cha mẹ cậu lấy đèn và nến cất giấu đi. Tổ Oánh biết cha mẹ không cho cậu đọc sách ban đêm, bèn lặng lẽ lấy lửa bỏ vào lò rồi phủ một lớp tro mỏng. Đêm đến, cậu gạt lớp tro, lấy than thổi lửa, dùng y phục che cửa sổ, không cho ánh sáng phát ra ngoài. Cứ khắc khổ học tập như vậy, Tổ Oánh dần trở thành người có kiến thức uyên bác.

Có một lần, vì đọc sách muộn nên cậu đã ngủ thiếp đi, hôm sau tỉnh lại đã quá thời gian lên lớp. Cậu nhanh chóng đến trường, đúng lúc đến phiên cậu lên bục giảng giải “Đường thư”. Khi mở sách, cậu phát hiện mình mang nhầm sách “Khúc lễ”. Nhưng cậu không chút hoang mang, đọc thuộc lòng 3 thiên trong “Đường thư”, không sai chữ nào. Sau khi biết cậu mang nhầm sách mà vẫn đọc thuộc, cả thầy giáo và bạn học đều kinh ngạc.

Vì sự thông minh hiếu học của Tổ Oánh, bạn bè thân quyến đều gọi cậu là “Thánh tiểu nhi” (ý nghĩa là Thần đồng), cho rằng cậu nhất định thành đại sự trong tương lai. Quả nhiên, con đường làm quan của Tổ Oánh rất có thành tựu. Ông nhận được sự tán dương của Hoàng đế đương thời, nhậm chức Bác sĩ [2] Thái học, Điện trung Thượng thư, Xa kỵ đại tướng quân. 

Ảnh minh họa: Chụp màn hình video Chánh Kiến.

Lý Bí làm thơ khi xem cờ

Lý Bí triều Đường, thuở nhỏ rất thông minh, năm lên 7 tuổi có thể viết ra áng văn chương rất hay. Đường Huyền Tông nghe nói có một thần đồng như thế, bèn hạ chiếu triệu kiến Lý Bí, đồng thời muốn thử tài học của cậu ta. Khi Lý Bí đến cung diện kiến, đúng lúc Huyền Tông và Yên quốc công Trương Duyệt đang đánh cờ vây. Huyền Tông có ý bảo Trương Duyệt nhân cơ hội thử tài cậu ấy. Trương Duyệt lấy việc đánh cờ làm đề bài, Lý Bí phải dùng 4 chữ “phương (方), viên (圓), động (動), tĩnh (靜)” làm một bài thơ, ông đưa ra ví dụ để Lý Bí tham khảo: 

 Phương nhược kỳ cục
Viên nhược kỳ tử
Động nhược kỳ sinh
Tĩnh nhược kỳ tử. [3]

(Diễn nghĩa: Vuông vắn như bàn cờ, tròn như quân cờ, động giống như cờ sinh tức là còn đi tiếp được nữa, tĩnh giống cờ chết nghĩa là quân bị bao vây sẽ loại bỏ khỏi bàn cờ)

Nhưng ông lại không cho Lý Bí dùng từ “kỳ” (棋: cờ).

Lý Bí nghe xong, thong dong ngâm một bài:

 Phương nhược hành nghĩa
Viên nhược dụng trí
Động nhược sính tài
Tĩnh nhược đắc ý. [4]

Ý nghĩa là: Chính trực giống như hành đạo nghĩa, chu toàn giống như dùng trí năng, động giống như thi triển tài năng, còn tĩnh thì như lĩnh hội thâm ý.

Huyền Tông nghe xong vô cùng kinh ngạc, vui sướng ôm cậu vào lòng, hết mực tán thưởng sự thông minh của Lý Bí, đồng thời tặng cậu áo bào tím vốn chỉ dành cho bậc quan lớn tài cao. Sau này, Lý Bí quả nhiên trở thành Tể tướng.

Không chỉ hiểu nhiều biết rộng, tương truyền rằng Lý Bí còn là người ngưỡng mộ Thần Tiên, hết lòng cầu Đạo, thường đến Tung Sơn, Hoa Sơn và Chung Nam Sơn để vân du.

Ghi chú:

[1] Thái học: cấp học cao nhất thời phong kiến.

[2] Bác sĩ: học vị cấp cao nhất thời xưa.

[3] Nguyên văn:

 方若棋局
圓若棋子
動若棋生
靜若棋死
[4] Nguyên văn: 

 方若行義
圓若用智
動若騁材
靜若得意

Phụ chú

Nguyên văn chữ Hán

 瑩八歲,能詠詩
泌七歲,能賦碁。
彼穎悟,人稱奇
爾幼學,當效之。

Âm Hán Việt

 Oánh bát tuế, năng vịnh thi
Bí thất tuế, năng phú kỳ.
Bỉ dĩnh ngộ, nhân xưng kỳ
Nhĩ ấu học, đương hiệu chi.

Pinyin Hán ngữ

 Yíng bā suì, néng yǒng shī
Mì qī suì, néng fù qí.
Bǐ yǐng wù, rén chēng qí
Ěr yòu xué, dāng xiào zhī.

Chú giải

(1) Oánh: chỉ Tổ Oánh, người thời Bắc Tề (550-557).

(2) Vịnh: ngâm xướng, hát tụng.

(3) Bí: chỉ Lý Bí, người triều Đường.

(4) Phú: bày ra cho người khác thấy, hoặc kể lại. 

(5) Kỳ: cờ, đánh cờ.

(6) Bỉ: họ, ở đây chỉ Tổ Oánh và Lý Bí.

(7) Dĩnh ngộ: thông minh.

(8) Kỳ: kỳ lạ, bất phàm.

(9) Nhĩ: bạn, các bạn.

(10) Ấu học: người mới đi học. 

(11) Đương: nên.

(12) Hiệu: noi theo, học tập.

(13) Chi: chỉ Tổ Oánh và Lý Bí. 

Đọc sách bút đàm

Bài trước nói về những người tuổi tác đã cao, hoàn cảnh bần khổ nhưng không mượn cớ để lười học tập. Vậy thì, tuổi nhỏ lại có thể kiếm lý do để không đọc sách học tập sao? Cho nên, bài này đưa ra ví dụ về 2 bạn nhỏ thông minh hiếu học, là để khuyên mọi người chăm chỉ học tập.

Trong câu chuyện, thần đồng Tổ Oánh và Lý Bí dù đầu óc nhanh nhạy thông minh nhưng vẫn siêng năng đọc sách. Trên thực tế, dù thông minh thế nào chăng nữa, nếu mỗi ngày không thể kiên trì tận lực đọc sách thì sẽ không có thành tựu. Thái độ hiếu học, kiên trì không lười biếng mới là quan trọng.

Những đứa trẻ thông minh như thế, từ nhỏ đã biết bắt đầu đọc sách học tập, hơn nữa lại không lười biếng giải đãi, thế thì những người bình thường chúng ta càng nên bắt đầu sớm hơn nữa, từ nhỏ phải biết trân quý thời gian, thiết lập chí hướng.

Theo Chánh Kiến
Mạn Vũ biên dịch

Video: Thần Phật bảo hộ cho ‘người tín Thần Phật’ như thế nào?

videoinfo__video3.dkn.tv||4e9cbeafb__