Có khi nào bạn cảm thấy bất lực vì con quá bướng bỉnh? Bạn bực bội vì con có quá nhiều tính cách xấu? Nếu bạn trầm tĩnh suy nghĩ một chút, bạn sẽ nhận ra, đó là tấm gương phản chiếu hình ảnh của chính bạn.

Con trẻ như tấm gương

Khi con trẻ không nghe lời hoặc là nhiều lần tái phạm lỗi cũ, cha mẹ thường không thể kiên nhẫn và dùng đến những biện pháp như nạt nộ, dọa dẫm, hoặc đánh đòn. Một số cha mẹ lại thích dùng vật chất dụ dỗ con cái, ví dụ như “nếu con làm được abc thì cha mẹ sẽ con thứ xyz”, “nếu con nghe lời thì con sẽ được đi chơi…

Những cách thức này có thể đem đến những hiệu quả nhất thời, nhưng bạn có nghĩ về lâu dài chúng có thực sự đưa đến hiệu quả tốt không? Khẳng định là không thể. Các con sẽ vì “không dám”, vì sự “sợ hãi” hoặc sự “thèm khát” mà tạm thời nghe lời cha mẹ mà thôi.

Kỳ thực, cha mẹ thường chỉ nhìn vào “nhiều lần tái phạm” của con trẻ, mà không thấy rằng thực ra chính là bản thân mình đã “nhiều lần tái phạm”. Rất nhiều việc trong cuộc sống, chúng ta biết sai nhưng vẫn cố tình phạm phải, biết mình có lỗi nhưng vẫn không thể tu sửa.

Thấy con trẻ ương bướng không sửa, có phải là bản thân mình cũng từng có lỗi mà không sửa chăng? Thấy con trẻ cái này không được, cái kia không đúng, cái này kém cỏi, cái kia bất hảo, có phải là mấy thứ “không được”, “không đúng”, “kém cỏi”, “bất hảo” này vừa hay cũng đúng là bản thân mình chăng?… Nếu các thành viên gia đình, đặc biệt là cha mẹ đều có thể quy chính bản thân cho tốt, thì không cần đòn roi hay vật chất, con trẻ tự khắc sẽ thay đổi tốt lên.

Cha mẹ cần chú ý lời nói, hành vi

Bản thân chúng ta khi ở trước mặt con trẻ thì nên chú ý tới lời nói và việc làm của mình, mặc dù vậy vẫn không tránh khỏi những lúc phạm sai lầm. Nếu như đối với lời nói và việc làm của mình mà không coi trọng thì sẽ đưa đến một loại hậu quả rất nghiêm trọng.

Ví dụ như, khi ở trước mặt con cái, chúng ta không chút kiêng dè mà đàm luận những “tranh giành đấu đá” của người lớn hoặc truyền đi những tin tức tiêu cực trong xã hội, điều này sẽ làm “đảo loạn” đôi tai của trẻ. Hoặc trong lúc giận dữ mà không chú ý đến hình ảnh của mình, cha mẹ cũng sẽ lại làm ô nhiễm “đôi mắt” của trẻ.

Còn một sai lầm mà nhiều cha mẹ thường hay mắc phải, đó là thường xuyên hỏi trẻ về việc trong nhà ai là người đối xử với con tốt nhất. Bạn có thể thấy điều này khá bình thường nhưng vô hình trung, bạn đang gieo vào tâm trí non nớt của trẻ sự tranh giành hơn thua, lớn lên đứa trẻ dễ bị hình thành tính cách hẹp hòi, hay so đo.

Cha mẹ tu dưỡng tốt mới có thể dạy con nên người

Thử hỏi một người nói cho trẻ em rằng tức giận là sai, nhưng bản thân mình lại giận dữ đến bầm gan tím ruột; nói cho con trẻ rằng ý chí cần chính trực, nhưng bản thân tư tưởng hành vi của mình lại lệch lạc, hay nói lời quanh co, thế thì con trẻ học hỏi sao đây khi chứng kiến biểu hiện bất nhất giữa lời nói và việc làm như vậy của chúng ta?

Những người ảnh hưởng phụ diện nhiều đến con trẻ thì thường thường cảm thấy bản thân tốt đẹp, hay chê bai người khác không được như mình; còn những người có nhiều ảnh hưởng chính diện đến con trẻ thì thường thường khiêm tốn ôn hòa, lặng lẽ làm việc mà không khoe khoang.

Con trẻ vốn dĩ bản tính ngây thơ tinh nghịch, hoạt bát hiếu động nhưng cha mẹ lại hay dùng quan niệm mà bản thân cho là chính xác để mà yêu cầu con trẻ phải làm theo. Nào là con không thể làm cái này, con không được làm cái kia; con phải làm như này, con cần làm như kia… vô hình trung sẽ tạo cho con trẻ một thứ “gông xiềng”, ảnh hưởng đến việc trưởng thành của trẻ.

Tóm lại, “Nổi nóng”, “Đàn áp”, “Dọa nạt”, “Dụ dỗ”, “Cấm đoán”… cha mẹ đừng bao giờ “vọng tưởng” sẽ có thể dùng những phương thức này để giáo dục ra một đứa trẻ lý tưởng. Chỉ khi cha mẹ tu dưỡng tốt mới có thể dạy con nên người, bởi trẻ con chính là tấm gương phản ánh chân thực hình ảnh của cha mẹ.

Nguồn tham khảo: Chánh Kiến
Ảnh minh hoạ: Pixabay.

Video xem thêm: “Phép tắc người con” (Đệ tử quy)

videoinfo__video3.dkn.tv||4a1528235__

Ad will display in 09 seconds

Có thể bạn quan tâm: