Đại Kỷ Nguyên

70 năm bán đồ ăn, cụ già 91 tuổi xây dựng ‘ốc đảo về đêm’ cứu giúp tâm hồn người Nhật

Ở miền tây Nhật Bản có một cụ già 91 tuổi đã mở một nhà hàng ăn đêm trong hơn nửa thế kỉ và người dân địa phương coi đó như một nơi nương tựa những khi gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Họ gọi nó bằng một cái tên trìu mến “Ốc đảo về đêm”.

Người dân ở thành phố cảng Sasebo, cách Nagasaki khoảng 50km về phía Bắc, đều biết rằng họ luôn có thể tìm được một bữa tối ngon lành nóng hổi tại quán ăn nhỏ của bà Misako và sẽ có người lắng nghe những vấn đề của họ, ngay giữa đêm khuya khi hầu hết các hàng quán khác đã đóng cửa.

Ban đầu thành phố Sasebo được xây dựng thành một căn cứ hải quân của Nhật, và sau đó một căn cứ của Mỹ cũng được xây tại đó. Ngày nay, dấu vết về sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ gần như đã biến mất ở khu trung tâm, khách du lịch tới đây cũng thưa thớt.

Quán ăn đêm của cụ Misako Mizoguchi không quá xa phố chính. Cụ bắt đầu bán hàng vào 9 giờ tối vì các cơ sở kinh doanh khác chỉ mở cửa đến quanh thời điểm này. Ban ngày quán là nơi bán đồ ăn nhanh và vào buổi tối nó là quán ăn đêm do cụ Misako tự điều hành. Phần lớn khách hàng của quán là những người làm việc về đêm.

Căn bếp nhỏ của quán ăn luôn tất bật. Bà Misako không có lúc nào ngơi tay: lúc người ta thấy cụ cẩn thận nắm cơm nắm trắng cùng đậu xanh – món ăn được yêu thích nhất của quán, hay rán món trứng nóng sốt cho một vị khách vừa bước vào từ cái giá lạnh bên ngoài.

Về đêm, một chút đồ nóng sẽ khiến người ta cảm thấy ấm áp và dễ chịu hơn, nên cụ sẽ làm nóng lại các món trước khi phục vụ khách. Đặc biệt, cụ Misako luôn tự tay chuẩn bị đồ ăn trong quán, hơn nữa vì lưu tâm tới sức khoẻ của các thực khách của mình – những người đã lao động vất vả, cụ Misako luôn sử dụng rất nhiều rau khi nấu các món ăn.

Quán ăn của cụ Misako được khai trương từ năm 1947, không lâu sau khi kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Khi ấy nhiều người ở Sasebo làm việc ngày đêm để dựng lại đống đổ nát từ những cuộc ném bom.

Misako đã mở quán ăn đêm để phục vụ họ. “Tôi nghĩ là tôi sẽ làm bánh gạo để bán. Nhưng ngoài mong đợi, mọi người đều thích bánh gạo của tôi”, cụ vui vẻ nhớ lại. Từ đó, để ủng hộ nỗ lực tái thiết sau chiến tranh của cả thành phố cụ đã nấu những món ăn ngon lành, nóng hổi và luôn phục vụ khách với nụ cười ấm áp và sự lắng nghe chân thành.

Ở tuổi 91 cụ Misako vẫn kiên trì bán hàng cả đêm và chỉ trở về nhà lúc 9 giờ sáng. Cụ gắn bó với quán ăn 70 năm và chưa từng lập gia đình: “Từ hồi ấy cũng có vài người đàn ông hỏi lấy tôi. Nhưng tôi nhớ lại, tôi thường từ chối họ ngay lập tức. Tôi cảm thấy là quán ăn đêm sẽ ngừng trệ nếu tôi không ở đó để quán xuyến mọi việc”, cụ Misako tâm sự.

Tối tối, khu trung tâm trở nên yên tĩnh và có ít người đi lại trên đường. Thành phố như đang chìm vào giấc ngủ sau một ngày dài mệt mỏi, sẽ có những người tới quán ăn nhỏ của bà cụ 91 tuổi này, như môt người đi trên sa mạc quay về với ốc đảo của họ để tiếp thêm sức lực.

Một trong những khách quen của quán là Masashiro Orihara, người chủ quán shusi trong khu phố. Đối với anh, mỗi lần tới “ốc đảo nhỏ về đêm” này, giống như một lần được trở về nhà nơi có mẹ. Khi còn đi học, anh sống gần cửa tiệm và Misako đã cho anh ăn, chăm sóc anh như con của mình. “Misako thường gọi điện đến trường thay cho mẹ tôi. Bà sẽ nói những điều như: ‘Xin tha lỗi, con trai tôi đã hết sốt, bây giờ cháu có thể trở lại trường không?’”.



Anh đã chứng kiến bà đã làm việc vất vả biết bao trong thời buổi khó khăn. Anh tâm sự rằng những cố gắng của cụ Misako đã kích lệ anh tiếp tục công việc. Bởi những biến đổi khó lường của nền kinh tế và sự phát triển thăng trầm của thành phố khiến việc kinh doanh có những lúc đi vào bế tắc. Rất nhiều đêm, bất chấp gió tuyết, anh vẫn đến quán của cụ Misako: “Việc đi đến đây cấp thêm năng lượng cho tôi để có thể làm việc thật chăm chỉ vào ngày hôm sau. Misako giống như một người mẹ vậy, bà luôn động viên tôi: Hãy thật bền bỉ và kiên trì”.

Còn những người phụ nữ thường xuyên tới quán, họ luôn coi Misako như một nguồn an ủi. Maiko Hayashida làm trong một quán rượu là một trong số đó. Cô tá túc ở nhà trọ gần đó và thường tới quán vào mỗi đêm sau khi kết thúc công việc.  

Trong không khí ấm áp của quán nhỏ, mỗi khi cụ Misako ngơi tay, Maiko lại có cơ hội để tâm sự với cụ về những điều đang khiến rất đau khổ: Cô đang phải đấu tranh giữa tiếp tục làm việc hay là lập gia đình – đây thực sự là một câu hỏi lớn trong đời đối với một phụ nữ Nhật, đặc biệt với những người làm nghề như Maiko. Maiko thường so sánh bản thân với Misako như để tìm thấy sự tương đồng với hình ảnh một người mà cô rất kính trọng và yêu quý. “Năm nay tôi 35 tuổi, và tôi vẫn độc thân. Misako cũng độc thân, không gia đình, không con cái. Nhưng bà yêu thích công việc và gặp gỡ mọi người nơi đây. Tôi muốn được giống như bà”.

Misako rất lo lắng cho Maiko, đặc biệt là việc cô uống rượu lúc làm việc vì cụ biết rõ tính chất công việc cô đang làm.

“Maiko, con còn rất trẻ. Hãy quan tâm tới sức khoẻ của mình,” cụ Misako nói. Cụ lo Maiko dùng rượu để thoát khỏi các mối lo, vì thế cụ thường khuyên bảo cô gái trẻ.

“Con cần phải mạnh mẽ lên, con vẫn còn trẻ và còn sống lâu. Con phải mạnh mẽ lên, Maiko!”.

Maiko ngập tràn cảm xúc.

“Vì sao bà phải hy sinh cuộc đời bà?” Maiko khóc.

“Không đúng thế đâu, con gái”, Misako đáp.

“Nhưng bà luôn đặt hạnh phúc của người khác lên trên hạnh phúc của bà”, nước mắt lăn dài trên đôi má đậm lớp trang điểm của người phụ nữ trẻ. Có lẽ Maiko rất cô đơn và chỉ có ở đây cô mới có được hạnh phúc có ai đó lắng nghe, có ai đó để cô bộc bạch những đau khổ của mình. Người Nhật vốn nổi tiếng với việc kìm nén cảm xúc, nhưng đó chỉ là với những người lạ, và người thân sơ.

Không chỉ có Maiko, các khách hàng quen vẫn thường đến gặp Misako không chỉ để thưởng thức những bữa tối ngon lành lúc đêm muộn, mà còn để có cơ hội trò chuyện với bà về những khó khăn của họ và lo lắng của cuộc sống. Và điều họ nhận được sau khi rời quán luôn là một cảm giác ấm áp vì được ăn no, nhưng quan trọng hơn là với một tâm trạng thư thái, nhẹ nhõm. Bởi cụ Misako luôn lắng nghe họ, thật sự lắng nghe.

“Cuộc sống của tôi bận rộn trong công việc, nhưng đến quán này thật vui vì thế mà tôi không không muốn đóng cửa. Tôi đã gặp rất nhiều người hạnh phúc và cũng có rất nhiều người bất hạnh – thường thì do công việc của họ. Khi khách hàng của tôi không vui vẻ tôi cũng cảm thấy buồn rầu. Vì thế tôi thích động viên, khuyến khích để làm họ phấn chấn lên.”

Tại quán ăn đêm tuy nhỏ bé nhưng ấm áp, những câu nói chân tình với những món ăn ngon lành nóng sốt tiếp tục đưa nhiều người đến trong vòng tay nhân ái của cụ Misako. Và rồi chỉ tới sáng hôm sau, với chiếc gậy chống trên tay, cụ lại chầm chậm trở về nhà, nghỉ ngơi, để đêm đến, lại tiếp tục công việc của mình – nấu ăn và chăm sóc tinh thần cho những vị khách của thành phố về đêm.

Không biết trên thế giới này có nhiều ốc đảo của tình thương như quán ăn của bà Misako hay không? Nhưng chúng ta hãy cùng nhau giữ hy vọng đó, bởi vì từ những ốc đảo này, tình thương sẽ như dòng nước mát dịu quý giá giữ lại sự sống trên sa mạc khô cằn của thế giới hiện đại.

Theo NHK World

Xuân Dung biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version