Hãy thử tưởng tượng bạn đi mua thức ăn về nhà, sau khi bày ra đĩa có thể ăn luôn túi nylon thay vì vứt nó đi.

Đó thực sự là một ý tưởng táo bạo. Từ trước đến nay, chất thải nhựa, trong đó có túi nylon đã khiến các đại dương bị ô nhiễm nặng nề. Chúng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhiều loài động vật, bao gồm cả nhân loại chúng ta.

Ước tính 90% rác thải đổ xuống đại dương là nhựa, trong đó 70% xuất phát từ bao bì thực phẩm và đồ uống. Chất thải nhựa khó phân hủy, nên ngay cả khi được xử lý đúng cách cũng rất mất thời gian và tốn tiền bạc. Hiểu được thực trạng này, công ty khởi nghiệp Evoware ở Indonesia đã tung ra thị trường các sản phẩm bao bì được làm từ rong biển dễ phân hủy và có thể ăn được trực tiếp.

Tận dụng lợi thế Indonesia là quốc gia sản xuất rong biển lớn nhất thế giới, Evoware đã nghiên cứu và phát minh ra hai loại rong viển có đủ độ dẻo dai cũng như tính đàn hồi để thay thế vật liệu nylon. Đầu tiên là loại có thể phân hủy sinh học và được thiết kế để sử dụng với các sản phẩm không phải thực phẩm. Không giống như nhựa, nó sẽ phân hủy sau khi sử dụng mà không gây hậu quả nào cho môi trường.

Thứ hai là loại dùng để đựng thực phẩm và khi hòa tan trong nước ấm hay không thì nó vẫn có thể ăn được. Vì thế nếu Burger King bọc những chiếc bánh của họ trong túi đựng làm từ rong biển, bạn có thể lấy ra rồi ăn hoặc chỉ đơn giản là cắn thẳng qua, ăn luôn cả túi. Hay bạn sẽ không phải bóc những gói gia vị mì tôm ăn liền nữa, dội nước xôi vào rồi chúng sẽ tự tan ra. Những ai hay ăn mì tôm hẳn sẽ rất thích điều này.

Công ty Indonesia này muốn thay thế túi nylon bằng rong biển ăn được
Ăn bánh ăn luôn cả túi, thật là thú vị phải không nào.
Công ty Indonesia này muốn thay thế túi nylon bằng rong biển ăn được
Túi nylon làm từ rong biển ăn được sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề nhức nhối.

Evoware nói rằng loại vật liệu này gần như không mùi không vị. Và rõ ràng, nó còn tốt cho sức khỏe của bạn khi chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Công ty hy vọng sản phẩm của mình sẽ được đón nhận tại thị trường trong nước và sớm có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Ngọc Hải