Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 25/5 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau: 

Thuê bao di động 11 số sắp chuyển thành 10 số

Nguồn tin của VnEconomy cho biết, Cục Viễn thông hiện đã trình lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông kế hoạch chuyển đổi mã mạng thuê bao di động 11 số còn 10 số và đang chờ lãnh đạo Bộ phê duyệt.

iệu quả sử dụng của thuê bao 11 số không cao, tỷ lệ rời mạng lớn, đồng thời đây lại là nguồn phát tán SIM rác, tin nhắn rác chủ yếu. (Ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 4/5, tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước tháng 4/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đã chỉ đạo Cục Viễn thông cần hoàn thành kế hoạch chuyển đổi mã mạng trước ngày 1/6.

Các đầu số mới trên sẽ được Cục Viễn thông họp bàn với các nhà mạng để phân bổ mã mạng, đầu số mới cho từng doanh nghiệp.

Việc chuyển đổi đầu số 11 số thàng 10 số trên cơ sở giữ nguyên 7 số cuối của đầu 11 số, và chỉ thay đổi các mã mạng đầu 01 thành các đầu số mới, như 03, 04, 05, 07 hay 08.

Theo đó, đầu số 11 số của các nhà mạng như 0166, 0168 (Viettel), 0122, 0122 (MobiFone), 0123, 0124 (VinaPhone), 0186, 0188 (Vietnamobile)… sẽ được chuyển thành một trong các đầu số cố định trên. Ví dụ, số 0168xxxxxxx thành 07xxxxxxxx, 0123xxxxxxx thành 05xxxxxxxx…

Thông đường sắt Bắc – Nam sau gần 12 tiếng lật tàu SE19

Vào 13h45 chiều nay 24/5, sau 12 tiếng khắc phục, tàu qua khu gian Khoa Trường – Trường Lâm, tuyến đường sắt Hà Nội – TPHCM đã chính thức thông tuyến với vận tốc 5km/h, dự kiến trả tốc độ khu gian vào ngày 25/5, theo Dân Trí.

Vào lúc 13h45 phút chiều nay, tàu qua khu gian Khoa Trường – Trường Lâm (Thanh Hóa), tuyến đường sắt Bắc – Nam đã chính thức thông tuyến trở lại. (Ảnh: VOV)

Sau vụ tai nạn nghiêm trọng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chuyển tải 9 chuyến tàu với 2.816 hành khách qua khu đoạn xảy ra tai nạn an toàn. Đồng thời, bãi bỏ một số đoàn tàu xuất phát trong ngày tại Vinh và Đồng Hới.

Cụ thể: Tàu SE36 tại Vinh (Vinh – Hà Nội), hành khách được chuyển sang đi tàu SE6; Tàu QB2 tại Đồng Hới (Đồng Hới – Hà Nội), hành khách được chuyển sang đi tàu SE2.

Trước đó, Đại Kỷ Nguyên đã đưa tin, vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào lúc 0h30 sáng cùng ngày,  đoàn tàu khách mang số hiệu SE19 do đầu máy 927 kéo khi đến đường ngang có gác tại Km234+050, khu gian Khoa Trường – Trường Lâm, tuyến Đường sắt Hà Nội – TPHCM (thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) đã va vào một xe ô tô tải vượt qua đường sắt.

Vụ tai nạn làm 2 người chết là lái tàu và phụ lái tàu, cả 2 bị kẹt trong cabin đầu máy 927. Trong số 10 người bị thương có 3 nhân viên đường sắt, 1 lái xe ô tô tải và 6 hành khách đi tàu. Hiện nay đa số các nạn nhân đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

120.000 cư dân sống tại chung cư nhưng chỉ có 800 chỗ gửi ô tô 

Từ ngày 21/5 tới nay, tình trạng thiếu chỗ để ô tô đã xảy ra tại hai khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ và Linh Đàm (Hà Nội). Những bãi gửi xe chưa cấp phép bị giải tỏa đột ngột khiến người dân không biết để xe ở đâu.

Vỉa hè, những khoảng trống tại hai khu đô thị đều được tận dụng tối đa để làm chỗ để xe. Các tuyến đường quanh hai khu đô thị thường xuyên ùn tắc do các ô tô đi vòng vòng tìm chỗ để.

Tình trạng thiếu thốn bãi gửi xe khiến nhiều vỉa hè, góc sân… tại các khu đô thị đều bị tận dụng làm chỗ để xe. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Theo VnExpress, nhiều cư dân tại hai khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ và Linh Đàm cho biết, giải tỏa bãi xe quá gấp khiến họ không kịp trở tay.

Hàng loạt các dự án chung cư mọc lên san sát nhưng lại chẳng hề quy hoạch chỗ để xe hợp lý. Ví như các tòa HH hiện chỉ có chỗ gửi xe máy. (Ảnh: Báo xây dựng)

Hiện tại, hai phường Đại Kim và Hoàng Liệt có 2 khu đô thị lớn với số lượng dân cư khoảng 120 nghìn người nhưng chỉ có 7 điểm trông giữ xe được cấp phép tạm thời phục vụ khoảng 800 chỗ đỗ xe. Những bãi này theo tạm tính chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của người dân.

Tính đến đầu năm 2018, phường Hoàng Liệt có khoảng 75 toà chung cư hoạt động với dân số ước 80.000, phường Đại Kim có 40 toà chung cư với dân số 40.000. (Ảnh: VnExpress)

Trong khi chờ đợi các bãi gửi xe mới, chắc chắn tình trạng thiếu chỗ gửi xe vẫn sẽ diễn ra tại hai khu đô thị Kim Văn-Kim Lũ và Linh Đàm.

Tìm nguyên nhân 1.500 tấn cá chết trên sông La Ngà

Vào ngày 24/5, ông Đặng Minh Đức (Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai) cho biết, Cục Bảo vệ môi trường miền Nam (trực thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT) đã xuống hiện trường khảo sát tìm nguyên nhân, theo Tuổi Trẻ.

Người dân vớt xác cá bán cho thương lái. (Ảnh: ZIng)

Theo đó, đoàn khảo sát đã đến khu vực sông La Ngà, đoạn chạy qua địa phận 2 xã La Ngà và Phú Ngọc (huyện Định Quán) lấy các mẫu nước, cá, sau đó gửi đi kiểm nghiệm, khoảng 5 ngày nữa có kết luận nguyên nhân cá chết sẽ công bố chính thức.

Về việc người dân cho rằng cá chết do doanh nghiệp gần sông La Ngà xả thải, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cho biết phía hạ nguồn sông La Ngà cạnh khu cá chết có Công ty cổ phần mía đường La Ngà và Công ty TNHH AB Mauri VN.

Nhưng công ty cổ phần mía đường La Ngà  hiện đang ngừng hoạt động do hết vụ mía, còn Công ty TNHH AB Mauri VN, dựa vào kết quả mẫu nước thải vào ngày 7/5 chưa vượt ngưỡng quy định.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, có 322 bè cá trên sông La Ngà của 80 hộ dân bị thiệt hại với tổng cộng hơn 1.500 tấn. Nhận định ban đầu cá chết do có sự biến đổi bất lợi về môi trường.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày may mắn và làm việc hiệu quả!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News

Từ Khóa: