Cuộc sống ngày càng hiện đại, giao thông cũng theo đó mà càng trở nên thuận tiện. Người ta đi lại bằng máy bay, xe chất lượng cao chứ không còn mấy người đi tàu nữa. Riêng tôi vẫn yêu lắm những chuyến tàu, nơi mà mỗi người đều bắt đầu cuộc hành trình của mình trong sự mới mẻ, lạ lẫm, nơi có những con người chẳng hẹn mà quen…
Những thế giới riêng bé nhỏ…
Khi đoàn tàu kéo còi và tạm biệt sân ga, những thế giới riêng bé nhỏ ắp đầy bao cảm xúc bắt đầu được mở ra. Trong những thế giới ấy, mọi người thường chào nhau bằng nụ cười, bằng cái gật đầu hay giản đơn là nhường lối đi cho nhau trên hành lang chật hẹp của khoang tàu.
Đó là một thế giới nhỏ bé không wifi, 3G 4G đủ chập chờn để người ta bỏ điện thoại xuống, tạm thời rời xa mạng xã hội để cùng nhau trò chuyện. Mọi người mỉm cười, hỏi thăm anh chị xuống ga nào, quê ở đâu, năm vừa rồi công việc thuận lợi chứ… Những câu chuyện tưởng như không đầu chẳng cuối nhưng rất chân thành ấy từ lúc nào đã kéo những con người xa lạ lại gần nhau hơn, và đặc biệt chuyến tàu lại càng thêm ấm áp khi một người lạ xách giúp bạn chiếc vali cho vào khoang hành lý, mời bạn ăn quả quýt hay chiếc bánh ngọt…
…trong niềm vui ngày tết sum vầy
Tết này, ga Tàu lại chật cứng như nêm. Người người, nhà nhà hối hả, mừng vui trên chuyến tàu về quê đón Tết. Ai cũng tay xách nách mang nào vali áo quần, rồi bánh trái, có người còn đóng thêm vài thùng hàng, hỏi ra mới biết là quà Tết để về quê. Thi thoảng bên cửa số mấy toa tàu ghế cứng còn thấy cả đào, cả mai – đúng là người xa nhà, thực tình chỉ muốn mang hết tất cả vị Tết về quê để ăn một cái Tết thật vui, thật ấm. Tự dưng thấy mỗi khoang tàu như một phiên chợ Tết nho nhỏ, cơ man là những món đồ mà chỉ nhìn thôi cũng thấy bồi hồi nhớ Tết. Ai cũng mong cho chuyến tàu nhanh về đến ga để đoàn tụ với người nhà, để lại được hít thở cái bầu không khí thân thuộc của quê hương mà bao lâu nay khi đi xa vẫn nhớ.
Nếu bỏ ngoài những thứ đông đúc, chật chội, những tiếng thở dài vì chờ đợi hay gương mặt mệt mỏi của những chuyến tàu xa thì có lẽ sân ga và đoàn tàu vẫn là thứ để lại nhiều cảm giác về Tết nhất.
Dù không tuyệt đối nhưng chắc đa phần người đi tàu về quê ăn tết đều không có điều kiện bằng những người đi máy bay. Còn tôi vẫn thường nghĩ, họ là những người quý tết hơn cả, bởi cả năm trời làm ăn xa xứ, nhiều lúc nhớ gia đình đến trào nước mắt nhưng cũng chẳng dám về nhiều vì không có tiền. Tết này, họ đã có dịp hiếm hoi được về nhà, tự tay nấu bữa cơm sum vầy, mua cho lũ trẻ chiếc áo cái quần, dù giá chỉ vài chục ngàn thôi nhưng cả mùa xuân đều gói ghém trong đó cả… Chẳng cần nói ra, nhìn những người phụ nữ ôm chắc trong tay những túi quà, chốc chốc lại nhìn ra ngoài cửa sổ với gương mặt rạng rỡ là cũng đủ hiểu, họ mong ngóng phút giây sum tụ gia đình đến nhường nào.
Và ai ơi đừng quên những con người lặng thầm…
Trong không khí tấp nập của những ngày cuối năm này, ai ai cũng hối hả để chuẩn bị cho tết, có những con người phải tạm gác lại những cái Tết của riêng mình để toàn tâm toàn ý cho công việc phục vụ hàng ngàn người con xa quê có được một cái Tết đầm ấm sum vầy. Họ không màng đến bất cứ lợi ích hay sự đền đáp nào, họ chỉ mong được đóng góp một chút sức mình để khiến cho ai ai cũng có thể đón một cái Tết trọn vẹn đúng nghĩa.
Chú trưởng tàu, cô soát vé, nhân viên nhà ga hay những người làm công tác bảo trì đường sắt – những người trao tết sum vầy, trong lúc hàng trăm, hàng ngàn hành khách đang háo hức và mong mỏi chờ được gặp gia đình mình, thì họ, có thể Tết đó không được sum họp với người thân.
Những ngày tết này, hành khách đông quá, mọi người đều mệt mỏi, thậm chí còn khó chịu vì phải xếp hàng để mua được tấm vé tàu về tết. Nhưng ít ai biết rằng, mỗi năm 12 tháng thì có tới 8 tháng mà những chuyến tàu chủ yếu chạy rỗng, dù giá vé đã giảm tới 50%. Những khi ấy, nhân viên trên tàu buồn vui thế nào, ít người nhắc tới.
Tết năm nay, hành khách vẫn mua vé khó như mọi khi, vẫn phải xếp hàng lấy số thứ tự qua tin nhắn, rồi lại ra ga ngồi chờ. Những ngày cao điểm giáp tết vé đã khó lại càng khó hơn. Nhưng mà, người đi tàu mua được vé về tết đã là may mắn và hạnh phúc, còn nhân viên nhà tàu khổ quanh năm rồi vẫn khổ mỗi khi tết đến xuân về. Âu cũng là nghề, nên phải gắng vượt qua.
Hạ An