Theo vị tổng giám đốc của một công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam, trong vụ tập đoàn Thaibev mua lượng lớn cổ phần tại Sabeco, cần phân biệt rõ giữa đầu tư mua bán cổ phiếu để kinh doanh thông thường và mua để đồng hành cùng doanh nghiệp. 

Tại buổi công bố 10 sự kiện chứng khoản tiêu biểu năm 2017, ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đặt ra vấn đề: “Tại sao năm 2016 khi công bố giá khởi điểm của Vinamlik, thị giá cổ phiếu trên thị trường liên tục giảm rất sâu. Tuy nhiên, trong năm 2017, SCIC công bố bất cứ giá khởi điểm của doanh nghiệp nào thì cổ phiếu của đơn vị đấy tăng giá. Ai sẽ trả lời câu hỏi này?”

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã có những chia sẻ riêng về thị trường chứng khoán và 2 thương vụ bán vốn tại Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB) và CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM).

Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT của CTCP Chứng khoán Sài Gòn. (Ảnh: nhd.vn)

Theo ông Hưng, nền kinh tế Việt Nam tốt nhất là khi các thành phần trong nền kinh tế đều cảm thấy khỏe mạnh và cạnh tranh lành mạnh. Thị trường chứng khoán là một khía cạnh để phản ánh nền kinh tế. Nếu các doanh nghiệp hiệu quả, được cạnh tranh công bằng thì nền kinh tế sẽ phát triển tốt.

“Khi nhìn một người không khỏe tôi sẽ khuyên người đó uống thuốc. Tôi quan tâm nhiều hơn đến cốt lõi và bản chất của vấn đề, tại sao lại có được kết quả, tôi không dựa vào vận may hay các yếu tố từ nhà đầu tư”, ông Hưng nói.

Với câu chuyện bán vốn doanh nghiệp đắt hay rẻ, ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ quan điểm: “Nếu mọi người chỉ so sánh P/E, so sánh các chỉ số thì tất cả sẽ có kết quả như nhau, sẽ không có người thắng và người thua trên thị trường. Đầu tư chứng khoán là dự đoán tương lai. Chính điều này dẫn đến những phản ứng trái chiều của thị trường. Khi một người tin tưởng vào sự phát triển của một doanh nghiệp trong tương lai, họ sẽ mua vào cổ phiếu và ngược lại nếu họ không có niềm tin hay dự đoán khác, họ sẽ bán ra. Đây cũng chính là những gì đã diễn ra với Vinamilk”.

Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng năm 2016, sau khi SCIC thông báo giá chào bán, thị giá cổ phiếu Vinamilk đã liên tục sụt giảm, điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm đến doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước nghĩ rằng với lượng cung lớn như vậy thì cổ phiếu sẽ đi xuống nên tranh thủ bán trước, khiến giá cổ phiếu VNM xuống dốc.

Ngược lại trong năm 2017, sau khi SCIC công bố chào bán, thị giá VNM liên tục tăng, nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài thấy sự hấp dẫn của công ty và phong trào đầu tư gia tăng khiến thị giá cổ phiếu đi lên. Tất cả đều do quyết định của thị trường.

Với những thương vụ bán vốn trị giá hàng tỷ USD, không ai có thể can thiệp vào thị trường được.

Vấn đề thứ hai mà ông Hưng nhấn mạnh là cần phân biệt giữa đầu tư mua bán cổ phiếu và mua bán thâu tóm doanh nghiệp. Câu chuyện bán vốn của Sabeco không được thể gọi là mua bán cổ phiếu mà là thông qua mua bán cổ phiếu để thâu tóm. Đây hoàn toàn là 2 một câu chuyện khác nhau.

“Tôi đã từng mua Bibica với giá từ 20.000 đến 120.000 đồng/cổ phiếu, nhưng nếu tôi chỉ kinh doanh cổ phiếu Bibica thì tôi không bao giờ mua đến giá 60.000 đồng/cổ phiếu. Còn khi tôi đã mua với giá lên đến 120.000 đồng/cổ phiếu có nghĩa là tôi muốn đồng hành cùng doanh nghiệp này để phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Hưng lấy ví dụ về chính thương vụ đầu tư của bản thân.

Tương tự bán vốn của Sabeco là câu chuyện bán doanh nghiệp không thể coi là mua bán cổ phiếu, thế nên không thể lấy “benchmark” của thị trường cổ phiếu, để xem doanh nghiệp đó bán đắt hay rẻ.

“Với tôi, một doanh nghiệp sở hữu 50% thị phần bia Việt Nam, quốc gia 100 triệu dân và đứng thứ 3 thế giới về tiêu thụ bia thì tôi nghĩ cái giá 5 tỷ USD không là gì cả, nếu tôi có tiền tôi cũng mua thậm chí với giá cao hơn”, ông Hưng cho biết.

Chia sẻ về những yếu tố thúc đẩy sự phát triển thị trường chứng khoán, ông Hưng cho rằng cần quan tâm đến những thứ mà nhà đầu tư chú ý, đó chính là sự minh bạch, sự bình đẳng giữa tất cả các thành phần tham gia vào thị trường. “Tức là không có bất cứ một ưu ái nào cho ai”, ông Hưng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng quan tâm đến khả năng thực hiện những kế hoạch được đặt ra trong tương lai, vì khi mua chứng khoán là mua tương lai, nên phải nhìn kế hoạch đặt ra để dự đoán doanh nghiệp có khả năng làm được những điều đó hay không.

Quang Minh