Một đời sống phạm tội dường như sẽ gây tổn hại đến sức khoẻ lớn hơn khi đến ngưỡng tuổi 40 so với người không phạm tội, các nhà khoa học Anh cho hay.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Cardiff (Anh) và Đại học Texas (Mỹ) đã xem xét số liệu được quan sát, thu thập từ 400 người đàn ông kể từ thời ấu thơ.

Họ phát hiện những người phạm tội có xác suất nhập viện lớn hơn và cũng có nguy cơ bị tàn tật lớn hơn gấp 13 lần.

Những người phạm tội có xác suất nhập viện lớn hơn và cũng có nguy cơ bị tàn tật lớn hơn gấp 13 lần. Ảnh: Shuttestock

Hậu họa sức khỏe

Kết luận trên đến từ Nghiên cứu của Đại học Cambridge về sự Phát triển Xu hướng Phạm tội (Cambridge Study in Delinquent Development). Nghiên cứu này đã tuyển chọn 400 bé trai sống ở khu vực thành phố phía nam London vào năm 1961 khi họ lên 8 hoặc 9 tuổi.

Khi đến ngưỡng tuổi thiếu niên và gần ngưỡng tuổi 30, những người này đã được tập trung để thu thập số liệu nghiên cứu. Trong cả hai lần đánh giá trước đó, những người từng phạm tội hình sự nhìn chung không cho thấy vấn đề đặc biệt nào về sức khỏe so với người thường, thậm chí có phần nhỉnh hơn.

Nhưng ở nghiên cứu này, những người đàn ông được phỏng vấn lại sau khi đến ngưỡng tuổi 48. Kết quả cho thấy những người tiếp tục các hành vi phạm tội có xác suất nhập viện gấp bốn lần trong vòng 5 năm trở lại đây so với các nhóm khác, bao gồm cả những người không phạm tội và những người chỉ mới phạm tội lúc tuổi vị thành niên.

Cái giá phải trả cho việc tái phạm không chỉ đơn thuần dừng lại ở những hậu quả [trực tiếp] của hành vi phạm tội đó.

– GS Jonathan Shepherd, ĐH Cardiff

Cái giá phải trả cho việc tái phạm không chỉ đơn thuần dừng lại ở những hậu quả [trực tiếp] của hành vi phạm tội đó. Ảnh: Brennan Center for Justice

Những người phạm tội cũng có nguy cơ bị tàn tật gấp 13 lần so với các nhóm khác.

Và 13 trong số 17 người đàn ông trong nhóm đã qua đời từng phạm tội hình sự một lần.

Giáo sư Jonathan Shepherd, giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Bạo lực và Xã hội tại Đại học Cardiff, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho hay:

“Một khi họ đạt đến ngưỡng tuổi 40, dường như những hậu họa đến sức khoẻ do lối sống của họ bắt đầu xuất hiện.

“Nguyên nhân cho tình trạng sức khoẻ sụt giảm này không rõ ràng. Hành vi và lối sống mang tính rủi ro cao như vậy có thể làm gia tăng nguy cơ gặp tai nạn và thương tích, dẫn tới xác suất nằm viện và tàn tật cao hơn.

“Tuy nhiên, một điều khá rõ ràng là, những người tiếp tục phạm tội tại mức cường độ cao khi trưởng thành có nguy cơ bị chứng sức khoẻ kém lớn hơn so với các nhóm khác, kể cả những người từng phạm tội khi còn là thanh thiếu niên và sau đó dừng lại”.

Hành vi và lối sống mang tính rủi ro cao như vậy có thể làm gia tăng nguy cơ gặp tai nạn và thương tích, dẫn tới xác suất nằm viện và tàn tật cao hơn. Ảnh: esabod

Theo giáo sư Shepherd,  điều này cho thấy:

“Cái giá phải trả cho việc tái phạm không chỉ đơn thuần dừng lại ở những hậu quả [trực tiếp] của việc phạm tội đó”.

Các nhà nghiên cứu cho biết các cơ quan sức khoẻ, xã hội và hình sự nên hợp tác với nhau để cố gắng hạn chế các hành vi phạm tội sau tuổi vị thành niên, từ đó giảm thiểu nguy cơ ốm đau trong cuộc đời sau này và chi phí cho xã hội.

Phát hiện này đã được công bố trên Tạp chí Hành vi Phạm tội và Sức khỏe Tâm thần (Criminal Behaviour and Mental Health).

Quý Khải