Vũ khí của đội quân đất nung trong khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một trong những bí ẩn mà các nhà khảo cổ học muốn giải mã nhất hiện nay. Họ muốn tìm hiểu tại sao sau hơn 2000 năm, chúng hầu như không bị hư hại và đặc biệt hơn là vẫn giữ được tính sát thương ghê gớm

Tần Thủy Hoàng (210 – 259 trước Công nguyên) là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, có công thống nhất đất nước và có tầm ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử của quốc gia này. Ông để lại nhiều công trình khổng lồ, kỳ vĩ nhưng còn không ít nghi vấn cho hậu thế dù đã yên nghỉ hơn 2.000 năm qua.

Tần Thủy Hoàng là người đầu tiên thống nhất Trung Quốc năm 221 TCN sau khi tiêu diệt 6 nước chư hầu. Ảnh: Tiền Phong

Hai công trình nổi bật nhất mà Tần Thủy Hoàng từng khởi công xây dựng là Vạn Lý Trường Thành và quần thể khu lăng mộ của chính ông với nhiều truyền thuyết và câu chuyện thần bí vẫn còn lưu truyền cho đến nay.

Vạn Lý Trường Thành – Trung Quốc. Ảnh: worldatlas.com

Thế nhưng những bí ẩn xoay quanh quần thể khu lăng mộ của Tần Thủy Hoàng cho đến ngày nay vẫn khiến các nhà khoa học đau đầu vì chưa thể tìm ra lời giải thích rõ ràng.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phát hiện vào năm 1974, nằm ở phía bắc núi Ly Sơn thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây, cách Tây An 50 km về phía đông.

Sau nhiều năm nỗ lực làm việc, các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế đã phát hiện ra hơn 8.000 bức tượng binh sĩ đất nung cùng nhiều hiện vật quý giá khác sau hơn 2.000 năm “ngủ yên” với sứ mệnh bảo vệ cho thế giới bên kia của hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Quần thể lăng mộ rộng tới 50 km2 và được cho là lớn nhất trên thế giới, rộng gấp 200 lần so với Thung lũng các vị vua ở Ai Cập.

Đội quân đất nung nổi tiếng trong lăng mộ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Ảnh: japantimes.co.jp
Cỗ xe tứ mã y như thật trong lăng mộ. Ảnh: Half Windsor Full Throttle – blogger

Mọi thứ đều được làm cẩn thận, hoàn hảo và mang đậm dấu ấn của nhà Tần, triều đại đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử Trung Quốc.

Đội quân đất nung trong khu lăng mộ được chế tác tinh xảo, độc đáo trong từng chi tiết và sống động như người thật khiến nhiều người ngỡ ngàng như “lạc” vào thế giới cổ đại hơn 2.000 năm trước.

Những bức tượng binh lính đất nung sống động như thật trong lăng mộ. Ảnh: Pinterest

Tuy nhiên, đó chưa phải là điều bất ngờ duy nhất mà các nhà khảo cổ học phát hiện ra. Điều bất ngờ hơn là những vũ khí của đội quân trong lăng mộ kỳ bí còn rất tinh xảo, đặc biệt là cung tên đủ mạnh để đâm xuyên qua áo giáp và lấy mạng kẻ địch.

Những vũ khí này đều được làm hoàn toàn thủ công qua các bàn tay, và sức sáng tạo tuyệt vời của những người thợ tài hoa lúc bấy giờ. Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Antiquity chỉ rõ rằng những người thợ thủ công đã chia ra thành nhiều nhóm nhỏ và chế tác tỉ mỉ từng vũ khí của binh lính đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng từ các mảnh đồng với nhiều kích cỡ khác nhau.

Chúng không phải là các đồ tạo tác mô phỏng hay trang trí mà được làm hoàn toàn bằng đồ thật.

Vũ khí của đội quân đất nung hơn 2.000 năm tuổi. Ảnh: Congnghe.vn
Những mũi tên bằng đồng sắc bén, có thể giết chết kẻ địch chỉ với một lần bắn. Ảnh: A Blog About History

Dù chịu tác động qua thời gian dài hàng nghìn năm nhưng những vũ khí của đội quân đất nung trong lăng mộ vẫn rất sắc bén và có sức sát thương lớn. Theo các nhà khảo cổ học, có khoảng hơn 40.000 vũ khí bằng đồng được trang bị cho các chiến binh trong lăng mộ.

Từ việc khai quật các hiện vật, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách làm cung nỏ, mũi tên độc đáo cho đội quân hùng mạnh độc nhất vô nhị trên thế giới cách đây 2.000 năm. Cách thức chế tác những mũi tên “hiểm hóc” này cũng rất tinh xảo. Cụ thể, các mũi tên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng đều được làm bằng đồng và được mạ một lớp chống gỉ sét ở bên ngoài. Vì vậy, trải qua hơn 2.000 năm trong lòng đất, những mũi tên vẫn sáng loáng và có sức sát thương đáng kinh ngạc.

Hình ảnh một số đầu mũi tên trong lăng mộ. Ảnh: We Seek the Truth!

Ngoài những mũi tên hay kiếm, giáo mác được tìm thấy, các nhà khảo cổ còn tìm thấy cả  máy bắn tên tự động, máy bắn tầm gần, tầm xa trong lăng mộ.

Đây là chiếc cung nỏ cổ nhất được tìm thấy trong lăng mộ. Ảnh: gunung toba – blogger
Hình ảnh 3D minh họ máy bắn tên tự động được tìm thấy. Ảnh: Ausbow Industries

Các nhà khoa học tại Đại học London và Bảo tàng Đội quân đất nung đã tiến hành tái tạo lại các mũi tên có niên đại từ những năm 200 TCN, là thời điểm chế tác nên công trình kỳ vĩ này. Sau đó, các chuyên gia đã bắn thử bằng chiếc cung tên thời kỳ đó.

Kết quả vô cùng bất ngờ khi mũi tên dễ dàng xuyên qua bộ áo giáp vốn được sử dụng vào thế kỷ II TCN và gây ra vết thương chí mạng cho cho kẻ thù.

Nhà sử học kiêm chuyên gia về vũ khí, Mike Loades phải thốt lên rằng: “Thật kinh ngạc về những chiếc cung tên này, chúng có trình độ chế tác vượt trước thời đại của chúng hai thiên niên kỷ”. 

Năm 1994, các nhà khảo cổ ở Trung Quốc đã phát hiện những thanh kiếm bằng đồng trong quần thể Binh mã dũng dưới khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây.

Thanh kiếm 2000 năm tuổi vẫn sắc bén trong lăng mộ Tần vương (Ảnh: ĐKN)

Chúng được xếp với mật độ dày, chôn sâu dưới đất khoảng hơn 2000 năm, tuy nhiên vẫn còn rất sắc bén và sáng bóng như mới.

Bên cạnh đó người ta còn phát hiện ra bề mặt những thanh kiếm này có phủ một lớp hợp chất Crôm dày khoảng 10 micromet. Hợp chất này được dùng để giúp các thanh kiếm tránh không bị oxi hóa.

Phát hiện này làm chấn động cả thế giới bởi mãi đến năm 1937, các nhà khoa học Đức mới phát minh ra hợp chất Crôm và ở Mỹ vào năm 1950.

Điều này chứng tỏ trình độ chế tạo vũ khí rất siêu việt và đã đạt đến bậc thượng thừa, dù nhà Tần được thành lập từ những năm 200 TCN và theo lý thuyết hiện đại thì thời gian đó công nghệ sản xuất của loài người còn rất thô sơ. Vì thế mà trong thời gian hoàng đế Tần Thủy Hoàng cai trị, Trung Quốc lại lớn mạnh và phát triển đến vậy.

Lăng mộ hoàng đế Tần Thủy Hoàng vẫn còn quá nhiều bí ẩn, thách thức giới khảo cổ. Ảnh: www.vietkhampha.com

Không chỉ riêng đội quân đất nung, vẫn còn rất nhiều thứ kỳ bí trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, đặc biệt là khu vực đặt hài cốt của hoàng đế giống như “một ngọn đồi chưa ai có thể chạm tới” mà các nhà khoa học, khảo cổ và sử học khao khát kiếm tìm và giải mã.

Sơn Tùng