Các nhà khoa học nhận định rằng cực quang màu đỏ được quan sát thấy tại Kyoto, Nhật Bản vào 250 năm trước có thể là cơn bão từ lớn nhất được ghi chép lại trong lịch sử, soán vị trí một cơn bão từ khác xảy ra năm 1859.

Theo Iflscience, các nhà nghiên cứu từ Viện văn học quốc gia Nhật Bản (NIJL) và Viện nghiên cứu địa cực quốc gia (NIPR) đã phát hiện bức vẽ từ một bản thảo của người Nhật được gọi là Seikai (“Hiểu biết về sao chổi”), trong đó bao gồm cả bình luận về sự kiện cực quang đỏ trên bầu trời Kyoto vào ngày 17 tháng 9 năm 1770.

Sử dụng thuật đo sao trên bầu trời đêm, họ có thể kiểm tra hình dạng của cực quang khi so sánh với bức vẽ và sự miêu tả được chép lại trong bản thảo.

Cực quang hình thành do các chùm hạt năng lượng tiếp xúc với từ quyển Trái Đất (Ảnh minh họa)

Họ đã thấy cơn bão từ được phát hiện mới này dường như có thể tương đương, thậm chí còn lớn hơn cơn bão từ trong sự kiện Carrington năm 1859 – cơn bão mà hiện nay đang được xem là cơn bão từ lớn nhất trong lịch sử được ghi chép lại. Họ ước đoán cơn bão từ năm 1770 lớn hơn từ 3% đến 10%. Kết quả nghiên cứu của họ được xuất bản trong tạp chí Space Weather.

Kiyomi Iwahashi, thành viên của Viện văn học quốc gia Nhật Bản đã tuyên bố: “Sự nhiệt tình và cống hiến của những nhà thiên văn học nghiệp dư trong quá khứ đã cung cấp cho chúng ta một cơ hội thật tuyệt vời. Cuốn nhật ký được viết bởi một Kokugakusha [học giả văn hóa Nhật Bản cổ đại] đã cung cấp một sự mô tả công phu về cực quang đỏ, bao gồm cả mô tả về vị trí của cực quang trong mối liên hệ với Hệ ngân hà.”

Theo tạp chí Wired, họ cũng đã có một phỏng đoán về việc cơn bão từ năm 1770 này đã diễn ra trong bao lâu, nhiều khả năng nó đã diễn ra trong khoảng chín ngày. Những bản vẽ vệt đen ở Mặt trời từ thời điểm đó cho thấy những vệt đen của Mặt trời nhiều gấp đôi so với bình thường.

Bão từ tấn công Trái Đất (Ảnh: NASA)

Bão từ xảy ra khi các vụ nổ từ Mặt trời phóng các chùm hạt năng lượng của chúng và tác động tới đường cảm ứng từ của Trái đất. Chúng có thể gây ra sự nhiễu loạn tạm thời từ quyển của chúng ta. Trong hiện tại, bão từ còn có thể ảnh hưởng tới các vệ tinh và cũng sản sinh ra những cực quang mạnh mẽ.

“Thật may mắn khi cơn bão từ năm 1770 xảy ra tại thời điểm chúng ta chưa biết tới điện năng.” Ryuho Kataoka từ Viện nghiên cứu địa cực quốc gia Nhật Bản nhận xét.

Các nhà nghiên cứu đã ghi lại trong các nghiên cứu của họ rằng sự kiện tháng Chín năm 1770 và sự kiện tháng Chín năm 1859 xảy ra cách nhau khoảng 100 năm, nhưng đến nay đã 150 năm kể từ sự kiện gần đây nhất. Điều này có nghĩa rằng chúng ta có lẽ đã quá thời hạn cho một cơn bão lớn.

Họ đã nhận xét: “Đây là một hiện tượng tự nhiên nguy cơ lớn nhưng ít có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng trong kỷ nguyên vũ trụ”.

Bão từ có thể phá hủy hệ thống điện và vệ tinh (Ảnh: nworeport.me)

Ngày nay, chúng ta luôn có sự chuẩn bị ít nhiều trước khi bão từ xảy ra; trung tâm Dự báo thời tiết không gian (SWPC) tại Mỹ nói với mọi người khi nào cần phải dè chừng những cơn bão lớn và ngưng hoạt động các vệ tinh hay những trạm năng lượng một cách thích hợp. Còn có cả một đề xuất về việc phóng lên không gian một tấm khiên từ tính khổng lồ nhằm làm lệch hướng những hạt năng lượng phóng ra từ mặt trời.

Nhưng có lẽ điều chúng ta cần làm trong thời gian này là bắt đầu tập trung tìm hiểu và nâng cao kiến thức hơn nữa về những cơn bão từ – đề phòng những gì có thể xảy đến!

Hoài Anh