Một người phụ nữ dù mất cả hai chân vì tai nạn giao thông nhưng vẫn nỗ lực học tập trở thành bác sĩ, chăm sóc sức khoẻ cho hơn một nghìn người dân ở một vùng núi thuộc khu tự trị Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc. Câu chuyện về cô chắc chắn sẽ mang lại nguồn cảm hứng và sự khích lệ cho bạn trên con đường chinh phục phía trước của mình.

Vào một chiều tháng Ba năm 1984, cô bé Li Juhong 4 tuổi đang trên đường đến trường mẫu giáo thì bị một chiếc xe tải lớn đâm phải và bị mắc kẹt bên dưới gầm xe. Đôi chân cô bị cưa chỉ còn lại chưa tới 3 cm.

Năm lên 8, cô đã học “đi” bằng cách dùng đôi tay đỡ toàn bộ thân trên và sử dụng những chiếc ghế gỗ để di chuyển. Mất đi đôi chân đối với một cô bé đang tuổi thiếu niên quả thực là bất hạnh lớn. Trong khi những bạn bè cùng trang lứa hàng ngày chạy nhảy vui vẻ tới trường để học tập, tới công viên để vui chơi thì cô bé Li Juhong lại chỉ biết ngồi lặng lẽ, quan sát và cảm nhận cuộc sống qua khung trời nhỏ của mình. 

Trải qua nỗi đau như vậy, Li Juhong đã quyết định sẽ cứu giúp những cuộc đời khác. Cô bé kiên trì, nỗ lực học tập và nuôi dưỡng trong mình khát vọng trở thành một bác sỹ lương tâm cứu chữa cho những người mắc bệnh nhưng lại không đủ tiền chạy chữa.

Li Juhong đang đo huyết áp cho một bệnh nhân.

Năm 2000, Li nhận bằng tốt nghiệp sau khi học tại một trường dạy nghề đặc biệt trong 4 năm. Năm sau, cô bắt đầu làm trong một phòng khám bệnh đa khoa ở làng Wadian.

Trong năm thứ hai làm việc ở đây, cô gái Li Juhong đã gặp chàng trai Liu Xingyan, lớn hơn cô hai tuổi. Trong thời gian làm việc và đồng hành cùng nhau qua nhiều dự án, kế hoạch, họ đã yêu và kết hôn với nhau.

Cô Li Juhong cùng chồng, anh Liu Xingyan.

Sau khi kết hôn, anh Liu Xingyan đã nghỉ việc tại phòng khám để lo việc nhà. Mỗi khi có thể, anh lại cõng vợ đi làm. Phòng khám cách nhà họ chừng 500m, nhưng nếu phải tự đi đến phòng khám bằng chiếc ghế gỗ, cô Li Juhong sẽ mất tới một giờ rưỡi. 

Cô Li Juhong phải “đi” bằng đôi tay đỡ toàn bộ phần trên của cơ thể bằng cách dùng những cái ghế gỗ.

Cô Li Juhong đã chăm sóc cho hơn 1000 người từ 300 gia đình ở làng Wandian trong suốt 15 năm qua. Một phần năm dân làng trên 60 tuổi. Vào buổi chiều, cô Li Juhong thường đến khám cho những người cao tuổi tại nhà dù những con đường vùng núi rất gồ ghề.

Trong 15 năm qua, để khám chữa cho những người nghèo trên vùng núi cao, cô Li Juhong đã sử dụng tới 24 chiếc ghế gỗ, đáp ứng 6.000 lượt gọi của người dân. Năm nay cô 37 tuổi và hành trình của cô sẽ còn tiếp tục kéo dài mãi.

Cô Li Juhong chuẩn bị đi đến nhà người bệnh.
Chồng cõng cô Li Juhong tới nhà người bệnh.
Cô Li Juhong đã đi thăm khám cho trên 6.000 người trong 15 năm.

Có câu: “Cuộc đời giống như một cuốn sách, có những chương buồn, có những chương vui và có những chương thú vị. Nhưng nếu bạn không lật sang trang tiếp theo, bạn sẽ không bao giờ biết được điều gì đã viết cho bạn ở đó”. Với ý chí, nghị lực, niềm tin vào bản thân cùng sự đồng cảm dành cho những người cùng khổ, cô Li Juhong đã từng bước khám phá những trang sách cuộc đời mình. Chắc chắn trên con đường đã đi suốt 15 năm qua, cô đã gặp không ít khó khăn, chướng ngại, thậm chí cũng có lúc mệt mỏi, chán chường cùng cực.

Nhưng lựa chọn của cô Li vẫn là tiếp tục nỗ lực và không bỏ cuộc, bởi cô biết sự nỗ lực của mình sẽ giúp ích cho người khác, sự nỗ lực không chỉ thay đổi cuộc sống của cô mà còn mang đến ánh sáng cho những cuộc đời khác. Người ta vẫn thường động viên nhau rằng chỉ cần có ý chí niềm tin, bạn sẽ thay đổi được cả thế giới. Nhưng với cô Li Juhong, điều giúp cô tạo nên thay đổi lại là ý chí, nghị lực xuất phát từ tấm lòng giàu tình yêu thương, trái tim thiện lương, từ xuất phát điểm muốn mang lại điều tốt đẹp và nụ cười cho người khác.

Sức mạnh to lớn của thiện lương và khoan dung, đó thực sự là điều nằm ngoài sức tưởng tượng của con người.

Xuân Dung – Thiên Thủy